“Ngày nọ, Thầy Truyền đạo nói với mấy đứa nhỏ:
- Mình nhóm lại cũng đã lâu, các con đã hiểu biết Lời Chúa tương đối rồi. Hôm nay, Thầy muốn các con nghĩ đến việc phải làm sao để có được một ngôi nhà nguyện cho riêng mình, không thể cứ nhóm ngoài trời, mượn nhà của người khác được.
- Xây nhà nguyện, đứa nào cũng tỏ ra thích thú. Bọn chúng là những đứa trẻ lang thang, không còn người thân thích, chúng là đủ nghề, bán báo, đánh giày… để kiếm sống. Chúng được Thầy Truyền đạo làm chứng và hướng dẫn nhóm thờ phượng Chúa vào mỗi chiều Chúa nhật. Ngôi nhà nguyện, đúng là một mơ ước chung của tất cả bọn trẻ. Bỗng một đứa hỏi:
- Thưa Thầy, nhưng tụi em làm gì có tiền để mà xây nhà nguyện?
- Các em phải có niềm tin vào sự quan phòng của Chúa, nhưng trước hết, các em phải biết dâng hiến, để thể hiện tấm lòng của mình, Thầy tin chắc rằng Chúa sẽ mở đường cho chúng ta.
Thế rồi cả bọn cùng nhau dâng hiến. Đứa nhiều, đứa ít, nhưng tất cả là những gì mà chúng đã để dành bấy lâu nay. Một đứa ngập ngừng nói với Thầy Truyền đạo:
- Em không có tiền vậy, em không dâng được không Thầy?
- Cũng được, nhưng em không nhớ lời bài Thánh Ca 374 sao: Mau dâng cho Chúa bao điều tốt nhất, thời thanh xuân luôn cả năng lực…
- Vậy em có 003 viên bi mà em rất quí, em dâng cho Chúa được không?
Thầy Truyền đạo hơi bất ngờ, suy nghĩ một lác rồi ông nói:
- Cũng được, Chúa sẽ chấp nhận tấm lòng của em.
Mấy đứa trẻ còn lại, tuy không dám cười, đứa nào cũng cố nín vì cái vẻ ngây ngô của bạn mình. Làm sao có thể xây dựng nhà nguyện với chỉ 03 viên bi.
Sáng Chúa nhật tuần sau, Thầy Truyền đạo chia sẻ giữa Hội Thánh về nhóm trẻ mà Thầy đang phụ trách. Chúng đang có nhu cầu xây dựng nhà nguyện và đã dâng được một ít tiền và… 03 viên bi. Cả Hội Thánh ai nấy cũng buồn cười, có người lại nghĩ Thầy Truyền đạo nói vui. Tuy nhiên, Thầy vẫn bình tĩnh, nói về nhu cầu của các em và xin Hội Thánh cầu nguyện cho các em. Bỗng phía dưới, có bàn tay giơ lên:
- Tôi xin mua lại 03 viên bi đó với giá một trăm ngàn đô-la được không?
Cả Hội Thánh sửng sốt, người mua là một người giàu có, nhưng kín tiếng.
Cuối cùng, ngôi nhà nguyện của đám trẻ đã được xây xong và người ta gọi đó là “Nhà thờ Ba viên bi”, bởi ba viên bi đó đã được dâng lại cho nhà thờ và được đặt trong một chiếc hộp gương xinh xắn, mọi người có thể chiêm ngưỡng nó, và cảm nhận được phép lạ, quyền năng của Đức Chúa Trời đã làm trên con dân Ngài, những tấm lòng trong trắng, ngây thơ của những đứa trẻ nghèo…”
Đó là câu chuyện mà Thầy Truyền đạo phụ trách vừa kể xong cho bọn trẻ nghe, chúng đều im lặng. Hoàn cảnh của chúng cũng không khác mấy đứa kia mấy, cũng mồ côi, cũng là trẻ em vô gia cư, và cũng đang khát khao có một nơi nhóm lại tươm tất.
- Hôm nay, Thầy cũng giống như vị Truyền đạo trong câu chuyện, muốn mấy em nghĩ đến việc chúng ta sẽ xây dựng một nhà nguyện cho riêng mình, và chúng ta cũng bắt đầu bằng việc dâng hiến, các em hãy dâng bằng chính tấm lòng biết ơn Chúa của mình.
Sau khi các bạn dâng tiền, Tuấn nói với Thầy Truyền đạo:
- Em có một cái này, muốn dâng cho Chúa, để mong Chúa làm phép lạ như bạn trong câu chuyện.
- Cái gì vậy?
- Dạ, cái ca bằng inox. Đây là kỷ vật của ba em để lại, ba quý nó lắm, nhưng em không hiểu vì sao, bởi nó đã bị lủng. Hôm nay, em cũng xin dâng cho Chúa, cầu xin Chúa làm phép lạ để chúng em mau có tiền làm nhà nguyện.
Thầy Truyền đạo khá lúng túng. Câu chuyện mà ông vừa kể, chẳng qua là ông nghe một vị tôi tớ Chúa thuật lại trong bài giảng, chẳng biết nó có thật hay không. Hôm nay, ông kể lại để khích lệ tinh thần của bọn trẻ, hóa ra nó làm thật. Bây giờ, ông cũng không biết giải thích thế nào và chỉ biết thầm nguyện với Chúa, nghe lời cầu xin của ông và của đám trẻ, và biết đâu điều kỳ diệu nào đó lại xảy ra.
Ông cầm cái ca inox trong tay, nhìn ánh mắt sáng ngời của Tuấn mà cũng thấy vui vui. Trẻ em có khác, ngây thơ và trong sáng, đúng như Lời Chúa nói: “…Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy ” (Mac 10:14). Đúng là cái ca này không thể làm gì được bởi nó đã bị lủng, móp méo, nhưng nguyên nhân vì sao thì ông không thể biết, nhất là tại sao ba của Tuấn lại quý nó. Nghe Tuấn nói, ông gìn giữ nó rất cẩn thận và nói với ông, con hãy giữ kỹ cái ca này, vì nó là kỷ niệm của đời ba. Tuấn trân trọng điều đó, và cho đến bây giờ nó vẫn giữ lấy cái ca, cho dù thời gian trôi qua đã lâu.
Chúa nhật tuần sau đó, ông báo cáo với Hội Thánh về chuyện của đám trẻ. Mọi người cũng tỏ ra cảm động với những gì đã xảy ra, nhưng không có một bàn tay nào đưa lên… Thầy Truyền đạo buồn lắm, ông biết, vẫn có khoảng cách giữa những câu chuyện giáo dục và thực tế cuộc sống, nhưng dù sao, ông cũng mong một điều gì đó xảy ra, để khích lệ bọn trẻ, và chính cả ông nữa.
Sinh hoạt với nhóm trẻ được hai năm nay, ông hiểu chúng rất rõ, mỗi đứa mỗi hoàn cảnh, nói chung rất đáng thương. Đa số đều mồ côi, hoặc giả nếu còn cha hay mẹ, thì cũng rất nghèo khổ, không thể nuôi chúng qua ngày nổi, chứ chưa nói đến chuyện cho ăn học. Ông tình cờ gặp Tuấn lần đầu tiên trước một quán nước nhỏ. Gia đình Tuấn đã không còn ai, nghe nói ba Tuấn trước đây đã đi bộ đội và qua đời mấy năm trước. Mẹ Tuấn đã mất khi cậu bé mới có hai tuổi, Tuấn không có người thân, chính vì vậy, mới mười tuổi đầu, Tuấn đã phải tự nuôi sống bản thân mình bằng nghề bán báo dạo. Thầy Truyền đạo làm chứng về Chúa cho Tuấn, ông kể về tình yêu thương vĩ đại của Đức Chúa Trời, Ngài là “Cha của kẻ mồ côi”. Tuấn cho biết, trước đây, gia đình mình cũng đã tin Chúa, nhưng sau khi ba mất, Tuấn hoàn toàn mất phương hướng và không còn đi nhóm lại nữa. Hôm đó, ông đã dẫn em về sống dưới mái ấm tình thương, ngôi nhà dành cho đám trẻ có hoàn cảnh khó khăn mà Hội Thánh đang cưu mang…
Chiều tối hôm đó, một người đàn ông lạ đến thăm Thầy Truyền đạo. Ông nói rằng, ông trước đây là một tín hữu của Hội Thánh, thời gian sau này đã định cư tại nước ngoài. Lúc sáng, ông có nghe nói về một cái ca inox cũ mà một đưa trẻ đã dâng, ông xin phép được xem nó.
Khi cầm chiếc ca trong trong tay, người khách lạ bồi hồi, xúc động nói:
- Đúng là chiếc ca đã cứu mạng tôi và bạn tôi rồi.
Hóa ra trước đây, ông cùng đơn vị với ba của Tuấn trong quân ngũ. Hai người trở nên thân nhau khi biết người kia cũng là một người con của Chúa. Họ thân thiết với nhau như anh em, và những khi gặp nhau đều động viên nhau sống cho thật tốt, giữ gìn đức tin cho dù hoàn cảnh có như thế nào.
Trong một lần bị địch tập kích, lúc đó ông đang bị đau và được ba Tuấn săn sóc, cho uống nước. Một viên đạn đã tình cờ bay trúng chiếc ca, nó đã cứu mạng của cả hai người. Họ đã quì gối cầu nguyện cảm tạ Chúa, và xem chiếc ca lủng đó như là một kỷ vật của tình bạn giữa hai người.
Kể từ khi ra nước ngoài, ông đã không còn liên lạc gì với người bạn cũ. Đây là lần đầu tiên về thăm quê hương, ông rất buồn vì người bạn thân đã qua đời, nhưng cũng rất vui khi biết được Tuấn, con của người bạn vẫn còn tin Chúa. Ông cũng rất biết ơn Tuấn, dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn gìn giữ kỷ vật của cha, cho dù em có thể bán nó đi bất cứ lúc nào cho những người mua bán ve chai.
Suy nghĩ một lúc lâu, ông nói với Thầy Truyền đạo:
- Điều này, tôi xin Thầy giữ kín cho đến khi hoàn thành. Trước mắt, tôi xin dâng một ít tiền, vì thật ra, bản thân tôi cũng không khá giả lắm. Khi tôi về lại bên kia, tôi sẽ thưa với Hội Thánh, vận động các bạn bè, hy vọng sẽ có đủ để giúp cho việc xây dựng nhà nguyện. Xin Chúa cảm động lòng họ, thấy được tâm tư, tấm lòng của mấy đứa trẻ, để sớm có đủ kinh phí và bắt tay vào việc trong thời gian sớm nhất. Bây giờ, tôi với Thầy cùng đi thăm cháu Tuấn và những người bạn của nó…
Thầy Truyền đạo trong lòng như được mở một nút thắt lớn. Những điều đã xảy ra với ông có thể không giống hoàn toàn với những gì ông đã kể cho bọn trẻ, nhưng rõ ràng, Chúa đã thấy tấm lòng của ông và bọn trẻ, Ngài đã điều hướng mọi sự thật tốt lành. Ông cảm tạ Chúa, và sẽ báo tin vui này cho mấy đứa trẻ, mà cũng chưa báo được, vì như lời người kia, phải giữ kín cho đến khi hoàn thành. Thôi thì, cũng đành chấp nhận vậy, nhưng ông tin chắc một ngày không xa, tin vui sẽ đến với Hội Thánh, với bọn trẻ, vì Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng đầy lòng yêu thương và vô cùng giàu có …
Vũ Hướng Dương
0 nhận xét:
Post a Comment