8:03 AM
0


Sống theo thói quen?
Về thăm Việt nam gặp bạn cũ những lần đầu, họ ngạc nhiên thấy tôi tự đi xe máy. Nhớ lại lúc mới tập lái xe máy anh tôi cho mượn thật chẳng dễ chút nào, mặc dù đã quen đi xe đạp từ bé. Xe máy nặng hơn nhiều nên khó điều khiển hơn, mất thăng bằng là nguy hiểm. Chưa nói đến việc phải nhớ vào số (thật may đã có kinh nghiệm lái ô-tô), riêng chuyện xe máy chạy nhanh hơn xe đạp nhiều, đã va chạm là dễ gây thương tích. Thói quen đi xe đạp trước kia tôi phải sửa đổi khá nhiều, thì mới có thể áp dụng vào việc đi xe máy được.
Lần đầu tôi chạy xe ra đường, cứ thấy người đi đường gọi và nhắc. Chẳng hiểu họ nói gì, hay là muốn trêu mình đây, mình chạy chậm có ảnh hưởng đến ai đâu cơ chứ? Cho đến khi một thanh niên giảm tốc độ chạy bên cạnh, và quát lên với tôi rằng: "anh ơi, chân chống kìa"! Thảo nào, khi lái xe chạy nãy giờ thỉnh thoảng lại thấy có cái gì va xèn xẹt dưới gầm xe. Mọi người lái xe đều biết chân chống có thể nguy hiểm thế nào khi vào những khúc cua, nên ai cũng phải la lên mà nhắc. Thật lúc đấy thấy mình quê dễ sợ (như nhà quê ra tỉnh vậy).
Câu chuyện này tôi muốn kể để minh họa cho các bạn thấy rằng thói quen và kinh nghiệm của chúng ta đều rất hạn chế, và phải không ngừng học hỏi để tiến bộ hơn. Ai cũng biết rằng, nhiều nếp nghĩ và nếp sống theo thói quen ở nhà đem ra nước ngoài sẽ thấy là thiển cận, lạc hậu và nhất định phải sửa đổi. Cần phải có thái độ cởi mở lắng nghe, học hỏi, để sớm thích nghi và hòa nhập. Đừng vội tự ái khi được nghe nhắc nhở, đấy là người ta muốn tốt cho chúng ta.
Vào một nước mới, chúng ta nhất định phải học để biết mà tuân thủ theo luật pháp và văn hóa của nước đó, thí dụ ở Ý không được ăn bằng tay, ở Singapore đừng có mà xả rác ngoài đường và đừng có uống rượu sau 10g30 tối, đi ăn hàng quán ở Mỹ phải để tiền típ (tiền boa) cho bồi bàn, ở Úc thì nghiêm hơn cả ở Nga, đòi hỏi ai đi đâu cũng phải mang theo hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân.
Vậy mà bây giờ tin nhận Chúa, trước là người trần thế, nay chúng ta đã được gia nhập vào vương quốc của Đức Chúa Trời.
Cô-lô-se 1
12 Hãy tạ ơn Ðức Chúa Cha, Ngài đã khiến anh em có thể dự phần cơ nghiệp của các thánh trong sự sáng láng: 13 Ngài đã giải thoát chúng ta khỏi quyền của sự tối tăm, làm cho chúng ta dời qua nước của Con rất yêu dấu Ngài, 14 trong Con đó chúng ta có sự cứu chuộc, là sự tha tội.
Bạn nghĩ sao, ta có thể đem tất cả những thói quen (nếp nghĩ nếp sống) cũ của đời này vào mà vẫn sống tốt trong nước Chúa được không?
Vậy, hãy cảm tạ Chúa vì chúng ta được gia nhập nước Trời, cao cả hơn và sáng láng hơn nhiều so với những thói quen đời này. Và chúng ta càng phải chú tâm học hỏi rất nhiều để thay đổi nhận thức mình, mới có thể hòa nhập với luật pháp và văn hóa để được hưởng ơn phước dành cho mỗi công dân thiên quốc.
Hãy cùng đọc lại đoạn Kinh thánh trên một lần nữa. Không thể nhận được phần cơ nghiệp sáng láng của các thánh đồ, chừng nào chúng ta còn ở dưới quyền lực của sự tối tăm. Chưa thể nếm trải phước hạnh đầy trọn của sản nghiệp vinh quang, chừng nào chúng ta còn phạm tội (tội lỗi nghĩa là sai lệch) trong cách nghĩ và cách sống, vì ai phạm tội là nô lệ cho tội lỗi.
Giăng 8:34 Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi.
Có thể nói, chính tội lỗi đang ràng buộc cả loài người bằng những thói quen nghĩ và sống sai lệch. Để thoát khỏi những xiềng xích đó, chúng ta cần có quyền phép giải cứu của Đức Chúa Trời. Và để giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi, Chúa đã dùng đến sự cứu chuộc và sự tha tội.
Hãy nói - tôi cần quyền phép Chúa giải cứu tôi!
Nếu suy ngẫm tiếp đoạn Kinh thánh này, bạn sẽ thấy rằng không phải cứ vào được nước Chúa là đã hoàn toàn thoát khỏi ảnh hưởng của các thế lực bóng đêm. Giống như người Do-thái dù đã được giải cứu khỏi Ai-cập, nhưng trong đầu vẫn cứ mang ý thức nô lệ của Ai-cập đến nỗi quẩn quanh trong sa mạc bốn mươi năm, và chỉ có thế hệ sinh ra sau đó với nhận thức tự do mới được vào đất hứa. Đấy là hình bóng chỉ về hai con người, xác thịt cũ và tâm linh mới, chỉ khi chúng ta sống noi theo tâm linh có Thánh Linh tể trị, thì mới thật sự hiểu và sở hữu được những Lời Chúa Hứa. Thực tế là nhiều người tin Chúa vẫn còn đang vấp phạm, lẩn quẩn vướng mắc trong những suy nghĩ và nếp sống sai lệch của dục vọng, và chúng ta đều cần phải đến nhờ quyền phép Chúa giải cứu mình.
Trước tiên, chúng ta cần nhờ Chúa cứu chuộc, và nhờ Chúa tha tội. Nhưng Chúa Jê-sus không muốn chỉ giúp chúng ta giải quyết hậu quả, mà Ngài muốn hoàn toàn giải phóng chúng ta khỏi những thói quen sai lệch của nếp nghĩ nếp sống xác thịt, để cho chúng ta được hoàn toàn tự do. Xin hỏi, bạn có biết Chúa sẽ giải phóng chúng ta bằng cách nào không? Có thể nhớ đoạn Kinh thánh nào nói về điều đó không?
Quyền phép giải phóng chúng ta
Câu trả lời ở ngay chính trong đoạn Kinh thánh trên. Nếu Chúa đã chỉ cho chúng ta nan đề, thì Ngài cũng chỉ ra giải pháp. Nếu Chúa Jê-sus vạch ra sự thật - ai phạm tội là nô lệ cho tội lỗi, thì Ngài cũng phán dạy bằng cách nào chúng ta sẽ được tự do.
Giăng đoạn 8
31 Bấy giờ Ngài phán cùng những người Giu-đa đã tin Ngài, rằng: Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn đồ ta; 32 các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha các ngươi.
33 Người Giu-đa thưa rằng: Chúng tôi là dòng dõi Áp-ra-ham, chưa hề làm tôi mọi ai, vậy sao thầy nói rằng: Các ngươi sẽ trở nên tự do?
34 Ðức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là tôi mọi của tội lỗi. 35 Vả, tôi mọi không ở luôn trong nhà, mà con thì ở đó luôn. 36 Vậy nếu Con buông tha các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự do.
Chúng ta sẽ được giải phóng (buông tha) khỏi những thói quen sai lệch và tội lỗi nhờ quyền phép nào? Nhờ cách nào mà mỗi chúng ta sẽ được tự do? Ấy là khi chúng ta nhận biết lẽ thật (chân lý) và tuân phục theo lẽ thật, để chân lý giải phóng mình khỏi những nhận thức sống sai lầm.
Người ta nói, kiến thức là sức mạnh, nhưng đúng chỉ một phần. Có Chân lý Chúa dạy, con người mới biết sử dụng kiến thức để làm ra những điều tốt lành ích lợi, chứ không làm ra những thứ độc hại giết người.
Một thí dụ, chúng ta đều biết rằng nói dối là xấu. Chúa Jê-sus còn đi xa hơn, khi trong đoạn này Ngài dạy rằng ai nói dối là làm theo ý ma quỉ, vì ma quỉ là cha của sự nói dối. Vậy mà nhiều con cái Chúa vẫn nói dối, có thể vì sợ hãi, có thể vì lương tâm yếu đuối, và chúng ta tự lừa dối mình bằng mọi lý luận và bào chữa. Như thế là sự trói buộc của ma quỉ rồi, vì người nói dối thì sẽ chối quanh và không bao giờ ăn năn chân thật được. Nhưng khi chúng ta hiểu rằng Chúa luôn bênh vực và ban ơn cho người nói thật và sống thật, và Ngài gớm ghiếc những kẻ đạo đức giả theo gương Pha-ri-si, thì nhờ nhận thức chân lý đó chúng ta sẽ được giải thoát khỏi sợ hãi, để mà nói thật sống thật với mọi người.
Thí dụ khác, về sự chữa lành cũng vậy. Rõ ràng chỉ cần cầu nguyện với đức tin, là quyền phép Chúa sẽ động chạm và chữa lành người bệnh. Nhưng vẫn có nhiều người bị cầm giữ bởi đức tin sai lệch, sợ hãi không dám dạn dĩ tiếp nhận ân điển Chúa. Chỉ khi nào nhận thức được chắc chắn ý Chúa là chữa lành cho tất cả mọi người, thì chúng ta mới được giải phóng, mà tự tin tiếp nhận sự chữa lành.
Có hai nhóm người Giu-đa đang ở cạnh Chúa Jê-sus lúc đó, những người đã tin Ngài, và những người sùng đạo xưng mình là dòng dõi của Áp-ra-ham nhưng không có đức tin của tổ phụ mình. Một nhóm người bị tội lỗi bắt làm nô lệ mong được giải cứu, và nhóm kia vẫn thấy hài lòng với vị trí làm con của tội lỗi. Nhóm thứ nhất thì lắng nghe và ghi nhớ để giữ đạo Chúa, còn nhóm thứ hai thì tự ái với những lời trách cứ của Chúa Jê-sus. Nhưng không có nô lệ nào ở mãi trong nhà, dù trước kia chúng ta có là nô lệ cho tội lỗi, thì vẫn có quyền phép và giá trả đủ để giải phóng chúng ta được tự do. Được chuộc về cho chủ mới, chúng ta thành nô lệ cho Đức Chúa Trời, nhưng đừng e ngại sợ hãi về điều đó vì chỉ khi chúng ta thuộc về chân lý, thì chúng ta mới thật sự được tự do.
Đầu phục chân lý
Không có ai trong số cơ-đốc nhân nghĩ rằng mình sẽ chống đối Chúa, vì tất cả chúng ta đều rất yêu kính và biết ơn Ngài về sự cứu chuộc và sự tha tội. Nhưng chúng ta cũng cần phải nhận thức rằng, nếu muốn được tự do khỏi nếp nghĩ sai lầm, thoát khỏi nhận thức tối tăm để hưởng được sản nghiệp sáng láng, chúng ta phải tìm hiểu và học hỏi chân lý là Lời Chúa. Câu 32 Chúa nói - chân lý sẽ giải phóng chúng ta, và câu 36 Ngài nhắc lại một lần nữa - Con Trời sẽ buông tha các ngươi thì các ngươi sẽ thật sự được tự do. Vì Chúa Jê-sus là CON TRỜI, và Ngài cũng chính là CHÂN LÝ (Giăng 14:6  John 14:6)! 
Còn những thói quen của chúng ta vẫn còn nghịch lại chân lý thì sao? Hãy sẵn lòng đầu phục chân lý, tập cho mình thái độ là khi đã biết được điều gì là chân lý thì lập tức làm theo. Trong mọi việc chúng ta làm, hãy tìm kiếm và nhận biết ý Chúa, thì Ngài sẽ chỉ dẫn đường lối chúng ta.
Châm ngôn 3
5 Hãy hết lòng tin cậy Ðức Giê-hô-va, Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con;
6 Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, Thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.
7 Chớ khôn ngoan theo mắt mình; Hãy kính sợ Ðức Giê-hô-va, và lìa khỏi sự ác:
Để có thể nhận thức được chân lý, chúng ta phải bắt đầu từ đức tin. Tin cậy Chúa để lắng nghe và tìm kiếm sự dạy dỗ của Ngài. Mỗi người cần có ý thức rằng sự thiếu sót trong nhận thức của ta chính là nguyên nhân gốc rễ của sự yếu đuối và thất bại của ta trong cuộc sống.
Sống khôn ngoan theo mắt mình là cách suy xét nhận định mọi điều một cách hạn hẹp, xét đoán cả thế giới dựa trên thói quen và trí thức của cá nhân mình là điều vô cùng nguy hiểm. Chính những người khôn ngoan theo mắt mình đã khinh rẻ Chúa Jê-sus, thậm chí tìm cách bức hại Ngài, chỉ vì Ngài nói thẳng với họ những quan điểm khác với của họ (hãy đọc kỹ Giăng đoạn 8 để thấy mà tránh).
Châm ngôn 14:12 Có một con đường coi dường chánh đáng cho loài người; Nhưng đến cuối cùng nó thành ra nẻo sự chết.
Phải hiểu câu lời Chúa dạy: "chớ khôn ngoan theo mắt mình" như thế nào? Đừng cho mình là đúng, đừng dựa trên thói quen và kinh nghiệm của mình để xét đoán điều này điều khác, chừng nào chưa biết chắc chân lý Lời Chúa có dạy những gì. Nhưng đã nhận biết được điều gì là chân lý rồi, thì hãy cứ đứng vững trong nhận thức của mình mà không thỏa hiệp với những điều sai trái.
Lại lấy thí dụ về thái độ tham gia giao thông, khi ở nước ngoài đã lâu thì chúng ta ý thức được và tập thói quen đi đường theo luật, đúng luồng, dừng xe khi có đèn đỏ, và ngồi ô-tô thì tự đeo dây an toàn. Về đến Việt nam, chúng ta sẽ ngạc nhiên mà thấy giao thông mất trật tự và nguy hiểm, chỉ vì sự tùy tiện và thiếu ý thức của nhiều người đi đường. Nhưng về phần mình, vì đã nhận thức được điều gì là đúng đắn, chúng ta sẽ vẫn đi theo luật, chứ không bừa bãi như trước kia nữa.
Vì Chân lý còn giải phóng chúng ta khỏi một điều nguy hiểm khác nữa, đó là thói quen sống theo đám đông. Đám đông thường tìm cách ép bạn làm theo quan điểm chung, vì họ nghĩ rằng số đông là đúng.
Châm ngôn 29:25 Sự sợ loài người gài bẫy; Nhưng ai nhờ cậy Ðức Giê-hô-va được yên ổn vô sự.
Công vụ 4:19 Nhưng Phi-e-rơ và Giăng trả lời rằng: Chính các ông hãy suy xét, trước mặt Ðức Chúa Trời có nên vâng lời các ông hơn là vâng lời Ðức Chúa Trời chăng?
Con đường đi theo thói quen, quan điểm của thế gian, có thể thấy dường như chánh đáng, nhưng cuối cùng nó dẫn đến thất bại và sự hủy hoại. Nhưng không phải nhiều người có khả năng nhanh chóng nhận thức về chân lý, cho nên trong khi rao giảng chân lý và chờ đến thời điểm ý thức người ta thức tỉnh, chúng ta sẽ phải đứng vững trước áp lực để giữ mình trong lẽ thật.
Thi thiên 17
4 Còn về công việc loài người, Tôi nhờ lời môi Chúa phán mà giữ lấy mình khỏi các con đường của kẻ hung bạo.
5 Bước tôi vững chắc trong các lối của Chúa, Chơn tôi không xiêu tó.
Học hỏi chân lý
Chúa có những kênh dẫn để chúng ta đều nhận được sự dạy dỗ, trong Hội thánh Ngài đã lập ra những người được ân tứ chức vụ - sứ đồ, tiên tri, thầy giảng tin lành, mục sư, và giáo sư (Ê-phê-sô 4:11 - Ephesians 4:11-13). Cùng với họ, là những người tôi tớ đã có kinh nghiệm cùng đi với Chúa và noi theo chân lý. Những điều lời Chúa dạy phải thành kết quả thật sự trong đời sống và sự phục vụ của họ. Đấy là điều Chúa Jê-sus dạy chúng ta phải chú ý suy xét.
Lu-ca 6
43 Cây sanh trái xấu không phải là cây tốt, cây sanh trái tốt không phải là cây xấu; 44 vì hễ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả nơi bụi gai, hay là trái nho nơi chòm kinh cước.
Nguyên tắc này dạy chúng ta biết phân biệt, để tìm cho đúng kênh của Chúa đã đặt để gần mình mà lắng nghe. Phải cẩn thận, nếu chưa kiểm chứng được bông trái.
Muốn hái trái vả, đừng đến bụi gai, muốn ăn nho, đừng tìm nơi chòm kinh cước. Nói về chữa bệnh và giữ sức khỏe, chúng ta tin tưởng các bác sĩ đã được huấn luyện chuyên môn và giàu kinh nghiệm. Nói về việc rèn và dạy con, chúng ta cũng nhìn vào gia đình nào có con học giỏi và ngoan ngoãn, kết quả học phần lớn giỏi chứ không chỉ đạt điểm trung bình. Cây sanh trái tốt thì không phải cây xấu. Ai mà nói xấu và chê bai cái cây đang ra trái tốt, hoặc ngược lại nói những trái xấu là thành tốt, thì thật ra lời người đó không đáng để lắng nghe.
Chúng ta đi học, đều biết là muốn được lên lớp thì phải trả đủ bài thi. Trong cuộc sống và đặc biệt là sự hầu việc Tin lành, những thử thách cũng sẽ xảy đến để buộc chúng ta phải bộc lộ ra hết mức độ nhận thức và trưởng thành của đức tin mình. Vì chân lý Tin lành thật mạnh mẽ và quan trọng đến như vậy, cho nên những người mang chân lý cũng là những người được qua thử thách. Đó là những người trung tín với Chúa và trung thành với chân lý Tin lành đã giao phó cho mình, không thỏa hiệp, nghiêm túc và có trách nhiệm với những lời khuyên dạy của mình.
2 Tim 2:15 Hãy chuyên tâm cho được đẹp lòng Ðức Chúa Trời như người làm công không chỗ trách được, lấy lòng ngay thẳng giảng dạy lời của lẽ thật.
Vậy, nếu nói về tinh thần và thái độ phục vụ, thì phải học hỏi ở người trung tín, nhịn nhục, kiên trì, kính Chúa và yêu người, và đã giúp được người khác có những kết quả rõ ràng, không phải là người chóng vui chóng chán, không gặp khó thì bỏ, không nói nhiều hơn làm, không chỉ thích làm việc bề nổi mà chê những việc âm thầm.
Hãy tập cho mình thói quen mới, thói quen yêu mến và tìm kiếm lẽ thật, để lắng nghe, phân biệt mà làm theo chân lý. Đấy mới là cách sống đúng của người con cái Chúa, biết tìm kiếm và học hỏi chân lý để giải phóng mình khỏi những xiềng xích của thói quen nghĩ và sống không xứng đáng, được thật sự tự do để nhận đầy đủ gia sản sáng láng của Đức Chúa Trời dành cho mình.
Và từ sự thịnh vượng của tâm linh yêu mến lẽ thật sẽ sinh ra mọi bông trái tốt lành thịnh vượng trong tất cả các lĩnh vực khác của đời sống chúng ta!
3 Giăng 1
2 Hỡi kẻ rất yêu dấu, tôi cầu nguyện cho anh được thạnh vượng trong mọi sự, và được khỏe mạnh phần xác anh cũng như đã được thạnh vượng về phần linh hồn anh vậy.
3 Vì tôi rất lấy làm vui vẻ mà thấy mấy anh em đến đây, làm chứng về anh yêu mến lẽ thật, và về cách anh làm theo lẽ thật ấy là thể nào. 4 Tôi nghe con cái tôi làm theo lẽ thật, thì không còn có sự gì vui mừng hơn nữa.
A-men!
MS Trần Quốc Hùng
Hội thánh Tin lành Moskva. 14-06-2015
Những hạt giống đức tin. Tinlanh.Ru

0 nhận xét:

Post a Comment

qc