1:23 AM
0

Lâu rồi mới có dịp gặp lại một người em từng nhóm chung một nhóm học Kinh Thánh, tôi tình thiệt hỏi: “em và người yêu của em thế nào rồi”, em tự nhiên trả lời: “chia tay rồi”. Không muốn em ngại, tôi cười cười nói sao lại thế. Em trả lời tỉnh như không theo kiểu mấy chuyện như vậy bây giờ là rất đỗi bình thường: “em thấy em còn quen lâu hơn mấy cặp xung quanh em đó chớ”. Do là trong nhóm học Kinh Thánh đó cũng có vài cặp yêu nhau và đã chia tay trước cả em này. Câu chuyện giữa tôi và em sau câu hỏi ấy nhạt dần và chuyển sang những chủ đề khác. Tôi muốn nói với em thật nhiều về cái gọi là tình yêu và tình yêu trong Chúa nhưng thấy sao mà khó quá, tôi sợ em nghĩ tôi cổ hủ, tôi sợ mình nói nhiều đâm ra nói sai nói bậy. Nhưng sau khi gặp em và quay về tôi cứ trăn trở mãi. Cái gọi là tình yêu trong Chúa bây giờ cũng không khác chi tình yêu của những người chưa biết Chúa sao? Cũng có nói dối nhau, bày trò thử nhau, bắt cá hai tay, và đặc biệt là khi thấy hết yêu rồi thì chia tay sớm bớt đau khổ hay sao?

Tôi trăn trở vì những ý nghĩ:
1. Thời nay xã hội thịnh hành mốt “cái tôi đem đội lên đầu”, nếu anh/cô không như ý “tôi” thì “tôi” sẵn sàng vứt anh/cô sang một bên để đi tìm mối khác, dại gì phải cố gắng. Nhưng Chúa phán: “hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Mathiơ 22:39); vậy thì có phải chăng khi yêu, con cái Chúa nên cố gắng thêm chút nữa vì người mình yêu? Cố gắng để yêu người ấy như yêu chính mình, quan tâm đến nhu cầu của người ấy như của chính mình.


2. Khi tình yêu mật ngọt, ai cũng hồ hởi nói: “đúng là ý Chúa đem anh đến với em” vân vân và vân vân, rồi khi tình yêu cay đắng giận hờn cãi vả lại đem ra bảo nhau: “ý Chúa muốn chúng mình chia tay”. Chúa chúng ta là Đấng hay thay đổi vậy sao? Chúng ta là con người, có thay đổi và sai lầm, nhưng không được đem Chúa ra làm cái cớ biện hộ cho sự thiếu cố gắng của mình. Mà một khi hai người đã quyết định yêu nhau trong Chúa thì dù là “ý của ai” thì đó cũng là lúc nên bắt đầu cố gắng vì nhau. Cố thêm chút nữa!


3. Cố gắng đến mức nào?
“Tình yêu thương hay nhịn nhục; tình yêu thương hay nhơn từ; tình yêu thương chẳng ghen tị, chẳng khoe mình, chẳng lên mình kiêu ngạo, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình, nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.”(I Cô-rinh-tô 13:4-7). Hãy xem trong tình yêu này, ta đã dung thứ đến điều, nhịn nhục đến điều, nhơn từ đến điều … chưa? Nếu thấy rằng những điều đó đã cố gắng đủ mà cả hai vẫn không thể tiếp tục với nhau thì hãy cầu nguyện cho nhau để sự kết thúc này không mang đến thương đau, cay đắng mà còn lại là sự duy trì tình bạn trong Chúa, không để “vì một người mà một người kia phải ra đi”.
Với “em”, tôi đã muốn nói những điều này. Nhưng có phải là nó quá lý tưởng và quá cổ hủ giữa nhịp sống hiện đại này không?


Khi yêu, hãy cố gắng thêm chút nữa được không “em”? Vì thế gian đang cổ suý cho sự vô tình, còn chúng ta, hãy đứng lên làm những người “có tình” khác biệt. Được không “em”?

0 nhận xét:

Post a Comment

qc