7:42 AM
0


Bạn thân mến,
Biểu tượng của đức tin cơ-đốc là cây thập tự. Nhưng, mức độ nhận thức của mỗi người tin Chúa về thập tự giá thì có khác nhau khá nhiều. Bạn hiểu cây thập tự là ý nghĩa thế nào, thì bạn sẽ sống trong đời như vậy. Đó là nguyên nhân căn bản lý giải vì sao trong vòng cơ-đốc nhân cũng có đủ loại người tốt xấu, thành bại. Hôm nay là dịp tiện để chúng ta đến với Lời Chúa để suy ngẫm và nhận được sự bày tỏ dạy dỗ của Chúa.
Cũng xin nói ngay là lời giảng này về thập tự giá chỉ dành cho những người muốn trưởng thành lên trong đức tin vì có lòng thật sự yêu kính Chúa Jê-sus mà thôi: - "Bởi vì lời giảng về thập tự giá, thì những người hư mất cho là điên dại; song về phần chúng ta, là kẻ được cứu chuộc, thì cho là quyền phép của Ðức Chúa Trời" - 1 Cô-rinh-tô 1:18.
Xin kể lại một kỷ niệm đặc biệt về thời kỳ mới tin Chúa. Thời đó chúng tôi bồng bột vui sướng với niềm tin mới, nên rất vui thích khi gặp được người nào gọi mình là con cái của Đức Chúa Trời. Khi gặp một anh này, là người quen của một người bạn, giới thiệu mình là có đạo, thì thấy rất gần gũi và tin tưởng. Để rồi nhận giúp anh ta, cho mượn tiền, và sau đó mới biết là đã bị lừa... Nhưng lòng chúng tôi không hề cay đắng và ca thán oán trách, có lẽ vì thế mà phước Chúa đã đến được sau đó để giải cứu chúng tôi và chúc phước bù đắp một cách thật tuyệt vời...
Sự thật là không phải tất cả người nào đã tin Chúa đều đang noi theo Chúa, không phải cứ người nào đi Hội thánh cũng đã là môn đệ của Chúa Jê-sus. Không phải tín hữu nào cũng sống xứng đáng là cơ-đốc nhân, là nhân chứng của Chúa Jê-sus Cơ-đốc.
Hãy xem chính Chúa Jê-sus đã nói thế nào mới xứng đáng là môn đệ của Ngài:
Ma-thi-ơ 10:38 ai không vác thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta.
Bạn có mang thập tự mình mà theo Chúa không? Bạn mang thập tự như một đồ trang sức, chỉ là hình thức, hay mang thập tự thật là phong cách sống của bạn? Chính đấy là điều mà Chúa để ý và gọi chúng ta - ai chỉ là người mới biết nhận ơn cứu rỗi, còn ai mới thật sự là môn đệ - một cơ-đốc nhân.
Mác 8
34 Ðoạn, Ngài kêu dân chúng và môn đồ, mà phán rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta. 35 Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta và đạo Tin Lành mà mất sự sống thì sẽ cứu.
Vậy là có hai cuộc sống, từ hai phong cách sống. Một cách sống chỉ tìm sống theo ý riêng mình, giữ cho mình, còn cách sống khác thì có ý thức mang thập tự giá. Bạn toàn quyền lựa chọn, hàng ngày, là mình sẽ chọn cách sống nào.
Vậy thì sống một đời sống mang thập tự giá có nghĩa là gì? Muốn hiểu rõ hơn, chúng ta phải tìm hiểu thập tự là biểu tượng cho những điều gì? Xin liệt kê ra một số điều quan trọng.
1. Sự cứu chuộc
Nếu bắt đầu từ điều dễ hiểu trước, thì đó là biểu tượng của đức tin cơ-đốc, chỉ về điều quan trọng nhất - nhờ cách nào con người được cứu và vào được cõi vĩnh hằng. Người mang thập giá trước tiên phải ý thức rằng mình đã được hưởng ơn cứu rỗi nhờ thập tự giá của Chúa Jê-sus. Người thế gian có thể đeo bùa, cũng như "tín đồ nửa vời" có thể mang "thánh giá" cầu may. Người thế gian có thể khoe công đức, cầu cúng, hoặc sự tu hành mình, cũng như "tín đồ nửa vời" khoe việc thiện và những lễ nghi tôn giáo.
Nếu ta được cứu chuộc có nghĩa là ta thuộc về Đấng đã trả giá để chuộc lại mình. Việc có đeo hình thánh giá hay không chưa quan trọng bằng việc bạn xấu hổ hay tự hào về đức tin nơi Chúa của mình, bạn có dám chịu áp lực để khi cần sẽ dám công khai tuyên xưng đức tin mình trước mặt người xung quanh hay không?
Ma-thi-ơ 10:32-42
32 Bởi đó, ai xưng ta ra trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha ta ở trên trời; 33 còn ta chối ta trước mặt thiên hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta ở trên trời.
34 Chớ tưởng rằng ta đến để đem sự bình an cho thế gian; ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm dáo. 35 Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia; 36 và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình. 37 Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta; 38 ai không vác thập tự mình mà theo ta, thì cũng chẳng đáng cho ta. 39 Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.
Nhờ thập tự giá ta đã được cứu chuộc, để thuộc về CHÚA, thuộc về thiên đàng. Và ý thức đó giúp ta phân rẽ, tách mình khỏi trần gian. Chúng ta không xem thường hay là phủ nhận những tình cảm và những điều quý giá của đời người, nhưng bây giờ đã có được điều giá trị nhất. Nếu phải lựa chọn, một cơ-đốc nhân chân chính sẽ biết nắm giữ lấy đức tin, tức là nắm giữ sự cứu rỗi đời đời, để người thân mình được cứu. Có ý thức đó rồi, thì trong cuộc sống hàng ngày, khi phải lựa chọn giữa tình cảm và lợi ích cá nhân với chân lý, bạn sẽ biết mà chọn đúng chứ?
Hội thánh ban đầu có thời kỳ bị bắt bớ đến mức các tín đồ bị ép phải chối Chúa công khai, nếu không thì sẽ bị bức hại... vậy mà chính đức tin sắt đá của những cơ-đốc nhân bị ném cho sư tử, bị giết trong các đấu trường, đã cảm hóa đế chế La-mã, bắt phục nó cho đạo của Đức Chúa Trời sau này. Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn sẽ bị thiệt thòi, bị nói xấu, chửi bới, bị hạn chế đường công danh, bị ép bỏ việc, thậm chí bị bức hại, bạn có tìm cách níu kéo và giữ sự sống cũ của mình không, hay bạn sẽ dám công khai đức tin, liều mình mất sự sống trong đời, để tìm lại được sự sống mới trong Chúa?
Thập tự giá cũng nhắc nhở chúng ta rằng - thuộc về Chúa là quan trọng hơn cả thuộc về một tổ chức hoặc một giáo phái. Có những giáo hội và Hội thánh tự cho mình là gốc, là chính, là truyền thống, tôn mình lên trên những hội chúng cơ-đốc khác. Và các "tín đồ " cư xử với người khác cũng theo cách cao ngạo ngấm ngầm như vậy, thậm chí tự cho mình quyền chơi xấu và bất công với người khác nhánh đức tin. Nhưng ý thức về sự cứu rỗi nói rằng mọi người đều bình đẳng trước mặt Đức Chúa Trời, và cái giá của linh hồn một tỉ phú với một người thường dân đều là như nhau.
2. Bản án cho tội lỗi
Thứ hai, chúng ta nhớ thập tự giá là bản án, sự phán quyết, dành cho kẻ bị kết tội tử hình. Vấn đề là ai đã bị kết án? Tất nhiên, Chúa Jê-sus đã bị kết án. Nhưng Ngài bị kết án hoàn toàn bất công, chính quan tổng đốc khi tra xét cũng không hề thấy Ngài phạm một lỗi gì. Vậy thì thật ra, đó là bản án của mỗi người chúng ta, mà Chúa đã gánh chịu. Bản án cho tội lỗi ở trong xác thịt của chúng ta.
Cho nên, khi chúng ta mang thập tự giá, thì chúng ta ghi nhớ rằng mình là kẻ tội nhân, đã nhận ơn thương xót. Chúng ta không khoe mình, không tự tôn mình lên, mà hạ mình xuống, khiêm nhường luôn luôn dưới ơn của Đức Chúa Trời. Ai có ý thức này sẽ không bao giờ tự cao khoe mình, chê bai hay xét đoán người khác. Vì chúng ta không ai là không mắc lỗi, không phạm sai lầm. Thông thường, phản xạ của người mắc lỗi, là làm om sòm lên, và đổ tội cho người khác, như A-đam lớn tiếng mà đổ tội cho Ê-va, còn Ê-va gào lên đổ lỗi cho con rắn. Nhưng người mang thập tự giá trong lòng sẽ không bao giờ làm thế. Người đó sẽ thật sự ăn năn, không phải vì người khác không làm điều gì sai, mà vì chính mình cũng có cái sai, và ăn năn là để được hưởng ơn thương xót của Đức Chúa Trời.
Thí dụ về thái độ khiêm nhường và sẵn lòng ăn năn, chuyện kể rằng, có lần một thanh niên dừng chân trước tòa nhà tu viện. Đó là thời kỳ còn Liên xô (USSR), khi đức tin cơ-đốc bị coi thường và ngược đãi, và những người còn công khai đức tin mình là khá hiếm hoi. Anh thanh niên này dừng lại, vì bắt gặp một vị tu sĩ già đang chậm chạp đi qua quảng trường trước mặt anh ta. Bỗng nhiên, một cơn tức tối vô lý chợt điên cuồng ập đến, anh ta giơ chân đạp một cái thật mạnh vào lưng tu sĩ, khiến ông già ngã văng ra xa. Nhưng khi lồm cồm đứng dậy, vị tu sĩ lại không kêu la gì cả, mà với nét mặt thật sự khiêm nhường quay lại hỏi anh "con ơi, không biết ta đã phạm lỗi gì với con, nhưng con tha thứ cho ta nhé!"
Hãy cùng đọc lại lời dạy của Chúa Jê-sus, trong Mác đoạn 8. Và hãy chú ý rằng - môn đệ của Chúa Jê-sus phải mang thập tự của mình, chứ không mang hình thập tự của Chúa.
Thập tự của tôi và bạn khác với thập tự của Chúa mang như thế nào?
Thập tự Chúa mang là cây thập hình thật, với mọi đau đớn nhục hình ghê gớm cho đến chết, nhưng chỉ MỘT LẦN là đủ cả cho loài người. Thập tự chúng ta mang cũng phải có một sự đau đớn và phán quyết, nhưng đó là phán quyết nội tâm, HÀNG NGÀY, khi chúng ta xử tử mọi dục vọng tội lỗi muốn nổi lên trong xác thịt mình, để thuận phục theo ý Chúa tốt lành đã răn dạy. Theo cách sứ-đồ Phao-lô nói, "tôi chết hàng ngày""tôi mang trong mình dấu đinh của Đức Chúa Jê-sus", và với ý thức đó thì "thế gian với tôi đã bị đóng đinh, và tôi với thế gian cũng vậy." (Ga-la-ti 6:14,17)
Đều là bản án cho tội lỗi, nhưng thập tự CHÚA mang là chịu hình phạt tội lỗi thay cho loài người, còn chúng ta, thì mang để nhắc cho chính mình, để đắc thắng tội lỗi ở trong chính mình.
Tại sao điều này là quan trọng? Vì vẫn còn nhiều người mang danh "tín đồ", nhưng chỉ là hình thức, còn thì vẫn ngấm ngầm phạm tội, và rủ rê người khác phạm tội. Họ rủ người ta mưu mô, gian dối, tham lam, dâm loạn, bội ước, rồi sau đó họ chạy đến nơi có hình Chúa Jê-sus bị treo trên thập giá, mà lễ bái cầu xin tha tội. Để rồi sau đó lại thoải mái đi phạm tội tiếp tục. Cho nên tôi nói là họ mang thập tự của Chúa, chứ không mang thập tự của bản thân, đến bây giờ họ vẫn tiếp tục đóng đinh Ngài trên thập tự giá. Nếu bạn dùng tôn giáo để ngụy biện và che đậy cho tội lỗi mình, thì bạn xấu xa gấp nhiều lần so với người không theo đạo.
Nếu bạn đọc kỹ lại Mác đoạn 8, sẽ thấy lúc đó Chúa Jê-sus vừa hỏi các môn đồ mới trở về sau chuyến đi rao giảng, hỏi rằng ý của dân sự cho Ngài là ai, và chính các môn đồ thì cho Ngài là ai. Đúng lúc đó Phi-e-rơ chợt nhận được sự bày tỏ, và xưng Ngài là Đấng Christ.
Mác 8:31-38
31 Bấy giờ, Ngài khởi sự dạy môn đồ rằng Con người phải chịu khổ nhiều, phải bị các trưởng lão, các thầy tế lễ cả, và các thầy thông giáo loại ra, phải chịu giết, sau ba ngày phải sống lại. 32 Ngài nói tỏ tường điều đó với môn đồ. Phi-e-rơ đem Ngài riêng ra, mà căn gián Ngài.
33 Nhưng Ðức Chúa Jêsus xây lại ngó môn đồ, và quở Phi-e-rơ rằng: Hỡi quỉ Sa-tan, hãy lui ra đằng sau ta; vì người chẳng nghĩ đến việc Ðức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người ta.
34 Ðoạn, Ngài kêu dân chúng và môn đồ, mà phán rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải liều mình, vác thập tự giá mình mà theo ta. 35 Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất; còn ai vì cớ ta và đạo Tin Lành mà mất sự sống thì sẽ cứu. 36 Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? 37 Hay là có người nào lấy chi mà đổi linh hồn mình ư? 38 Vì giữa dòng dõi gian dâm tội lỗi nầy, hễ ai hổ thẹn về ta và đạo ta, thì Con người sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi ngự trong sự vinh hiển của Cha Ngài mà đến với các thiên sứ thánh.
Lúc đầu, ngay cả sứ-đồ Phi-e-rơ cũng bị ma quỉ gieo cho tư tưởng lầm lạc, là muốn ép Chúa phục vụ cho việc của người mình, chứ không muốn tuân phục theo công việc của Chúa trong đời sống mình, không chịu dùng quyền phép thập tự giá để bóp chết các tư tưởng dục vọng xác thịt. Những người sống như thế sẽ thiếu ơn, sẽ không thành đạt.
Nhưng, bạn biết điều gì làm tôi ngạc nhiên không? Là những người đó cũng như Phi-e-rơ, vẫn tiếp tục tìm cách dùng tư tưởng người đời mà khuyên bảo những người muốn sống theo đức tin, noi theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời... không biết là họ có ý thức được là đang bị ma quỉ lợi dụng giống như Phi-e-rơ không nữa...
"Vì sự chăm về xác thịt nghịch với Ðức Chúa Trời, bởi nó không phục dưới luật pháp Ðức Chúa Trời, lại cũng không thể phục được. Vả, những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Ðức Chúa Trời." - Rô-ma 8:7-8.
Vấn đề là Phi-e-rơ đã ăn năn và thật sự thay đổi, còn bạn thì sao? Bạn có biết cách ăn năn thật lòng không? Ăn năn là từ bỏ tội lỗi, chứ không phải xí xóa che dấu nó đi. Chúa tha tội để chúng ta được sống, nhưng Ngài cũng phán dạy - hãy đi, đừng phạm tội nữa. Nếu đọc lại những lời Chúa dạy này trong sách Lu-ca, sẽ thấy rõ hơn "liều mình" chính là "tự bỏ mình đi", và ý thức thập tự giá phải là nếp sống hàng ngày, chứ không phải là chỉ vào những dịp lễ lớn.
Lu-ca 9
23 Ðoạn, Ngài phải cùng mọi người rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta. 24 Vì ai muốn cứu sự sống mình thì sẽ mất, còn ai vì cớ ta mất sự sống, thì sẽ cứu. 25 Nếu ai được cả thiên hạ, mà chính mình phải mất hoặc hư đi, thì có ích gì?
Tự bỏ mình, tức là bỏ con người cũ, sự sống tội lỗi cũ, để thật sự sống sự sống mới. Tự bỏ mình đi phải thể hiện ra sự mau mắn trong ăn năn hàng ngày. Có những người phạm tội vòng luẩn quẩn, vì không thật sự ăn năn, không ý thức được thập tự giá mình mang, là phải thi hành thường xuyên và hàng ngày bản án phá quyết cho tội lỗi ở trong mình. Bạn biết nhiều người như vậy, và có thể bạn nhận ra chính mình là một người trong số đó.
Nhưng nhận thức điểm yếu chưa đủ, cần phải có sức mạnh để chiến thắng được nó nữa. Có cách nào để chiến thắng được tội lỗi trong xác thịt chúng ta? Bao nhiêu người có ý thức với bao nhiêu đạo giáo khác cũng đều phải vật lộn với tư dục sân si của mình, làm cách nào để thắng?
Và chúng ta phải nói đến điều quan trọng thứ ba, mà mỗi môn đệ của Chúa Jê-sus cần ý thức được trong nếp sống mang thập tự giá.
3. Quyền phép sự sống lại
Rô-ma 8:13 Thật thế, nếu anh em sống theo xác thịt thì phải chết; song nếu nhờ Thánh Linh, làm cho chết các việc của thân thể, thì anh em sẽ sống.
Chúng ta sẽ sống đời mới đắc thắng nhờ quyền phép của Đức Thánh Linh, nếu ý thức rằng thập tự giá là biểu tượng của sự sống lại. Phải, Chúa Jê-sus đã chết vì tội chúng ta, theo lời Kinh thánh. Nhưng Ngài cũng đã sống lại vào ngày thứ ba, dùng thập tự giá để đắc thắng ma quỉ và hủy phá quyền lực của tội lỗi cai trị trên con người.
Cô-lô-se 2:15 Ngài đã truất bỏ các quyền cai trị cùng các thế lực, dùng thập tự giá chiến thắng chúng nó, và nộp ra tỏ tường giữa thiên hạ.
Chính vì lý do này mà chúng ta dùng làm biểu tượng của đức tin mình một cây thập tự trống. Trong tâm thức, chúng ta không còn treo Chúa Jê-sus trên đó nữa, Ngài đã sống lại, để chúng ta cùng được sống lại trong Ngài rồi. 
Thập tự giá trống, cũng như hầm mộ trống, khẳng định với tâm thức rằng chúng ta không còn là tội nhân đang tìm cách được cứu vớt, mà là những kẻ đã được cứu chuộc, đã được tái sanh, đã có thiên đàng, và đang dùng quyền phép thập tự giá, quyền phép sự sống lại để thể hiện nước thiên đàng ra trong đời sống của mình.
Và cũng vì thế mà phép báp-têm chúng ta làm không chỉ có ý nghĩa rửa tội, mà là theo như Kinh thánh dạy - hiệp một cùng chết, cùng chôn, và cùng sống lại với Chúa trong đời mới:
Rô-ma 6:4 Vậy chúng ta đã bị chôn với Ngài bởi phép báp tem trong sự chết Ngài, hầu cho Ðấng Christ nhờ vinh hiển của Cha được từ kẻ chết sống lại thể nào, thì chúng ta cũng sống trong đời mới thể ấy.
Hãy ý thức được sự tái sanh của tâm linh mình, hãy thấy mình là con người mới đã sống lại cùng Chúa, thì bạn sẽ thật sự bắt đầu sống trong đời mới với vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Bây giờ, tổng kết lại, chúng ta cần ghi nhớ rằng muốn làm môn đệ được ơn của Chúa, muốn làm một cơ-đốc nhân sẽ khiến Chúa vui lòng chứ không xấu hổ khi Ngài quay trở lại đón Hội thánh, thì phải mang THẬP TỰ GIÁ CỦA MÌNH mà THEO NGÀI! Và thập tự giá có những ý nghĩa nào, thì chúng ta đã hiểu ra ba điều quan trọng:
Đó là biểu tượng của đức tin cứu chuộc, nhờ đó chúng ta thuộc về Chúa, thuộc thiên đàng đời đời, và sẽ không bao giờ xấu hổ, mà luôn tuyên xưng và giữ vững niềm tự hào đó trước mọi người.
Đó là biểu tượng của bản án tử hình dành cho tội lỗi, mỗi chúng ta ghi ơn Chúa đã chịu thay để cứu chuộc chúng ta, và hàng ngày mỗi môn đồ của Chúa phải đóng đinh các tư dục xác thịt và cám dỗ tội lỗi trên thập tự đó.
Đó là biểu tượng của sự sống lại, và quyền phép Đức Thánh Linh trên đời sống mỗi người, với ý thức mình đã được tái sanh, đã hiệp làm một với sự chết, sự chôn, và sự sống lại trong đời mới cho vinh hiển Đức Chúa Trời!
Nguyện xin những nhận thức này sẽ biến đổi đời sống mỗi chúng ta càng thêm đầy dẫy ơn phước và quyền phép sự sống lại!
Amen!
MS Trần Quốc Hùng.
Hội thánh Tin lành Moskva. 04-2015
Những hạt giống đức tin. Tinlanh.Ru
Mời các bạn xem video bài giảng:


Newer Post
Previous
This is the last post.

0 nhận xét:

Post a Comment

qc