8:08 AM
0

Giao thừa 2014 ở nước Nga lần này trong tâm trạng vui đón năm mới vẫn phảng phất nét buồn tang lễ. Đúng vào những ngày cuối năm, hai vụ nổ bom khủng bố liên tiếp đã xảy ra tại thành phố Volgograd, cướp đi sự sống của hàng chục con người. Tuyết mất đi màu trắng.
Người ta cho rằng những kẻ thủ phạm đã liều mạng làm những điều kinh khủng này, vì bị nhồi sọ tư tưởng rằng đổ máu người khác như thế sẽ mở đường cho mình lên được thiên đàng. Ấy là những thế lực đứng đằng sau trong bóng tối đã kích động và lợi dụng họ cho mục đích tranh giành quyền lực và ảnh hưởng ngầm.
Nhìn vào lịch sử loài người, có thể thấy các đế chế khi xây dựng quyền lực mình thường đi theo lối mòn xử dụng vũ lực, đổ máu những con người để làm cuộc cách mạng cho mình. Đây là ý tưởng lấy từ lời nhận xét và cũng là lời tự thú của hoàng đế Napoleon Bonaparte (1769-1821), tướng lĩnh cuộc cách mạng Pháp, khi ông đã thất thế.
Đó là lúc Napoleon đang phải chịu đi đày trên đảo St. Helen, và vị hoàng đế đã từng chinh phạt tất cả châu Âu có đủ thời gian để suy ngẫm và đánh giá lại sự nghiệp của mình. Một lần, ông ta bỗng gọi bá tước Montholon lại gần, và đặt câu hỏi: "Ông có thể nói cho tôi Jê-sus Christ là ai không?" Khi vị bá tước từ chối trả lời, Napoleon tự tiếp tục:
"Tốt thôi, thế thì tôi sẽ nói cho ông biết. Alexander đại đế, Ceasar (Sê-sa), Charlemagne (Các-lơ vĩ đại) và chính tôi đã sáng lập nên những đế quốc vĩ đại, nhưng công trình của tài cán chúng tôi đã dựa trên cái gì? Dựa trên vũ lực. Chỉ có Jê-sus đã sáng lập vương quốc mình dựa trên tình yêu thương, và cho đến giờ này vẫn có hàng triệu triệu người sẵn lòng theo Ngài dù có phải chết...
Tôi hiểu quá rõ bản chất con người, và tôi nói với ông điều này, tất cả những vị vua kia đều là người, cả tôi nữa cũng là một con người. Chẳng có ai giống được như Ngài cả, Jê-sus Christ lớn hơn nhiều so với con người, không chỉ là người...
Tôi đã khích lệ nhiều đám đông với những lời nhiệt huyết đến nỗi họ có thể chết vì tôi, nhưng để được như thế bắt buộc phải có mặt tôi ở đó, khi tôi nói và nhìn vào mắt họ...
Chỉ có Đấng Christ làm được một điều là hướng tâm trí con người đến những thứ vô hình, không hề bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Suốt chiều dài mười tám thế kỷ, Jesus Christ yêu cầu một điều khó đáp ứng hơn tất cả, hơn cả cha yêu cầu con mình, vợ yêu cầu chồng mình, anh yêu cầu em trai mình... Ngài yêu cầu trái tim của con người, trọn vẹn phải thuộc về Ngài. Ngài đòi hỏi nó một cách vô điều kiện, và ngay lập tức yêu cầu của Ngài được chấp thuận. Tuyệt vời! ...
Thời gian, kẻ hủy diệt vĩ đại, bất lực để dập tắt ngọn lửa thiêng liêng này, thời gian chẳng thể làm giảm đi sức mạnh hoặc giới hạn phạm vi ảnh hưởng của nó. Đó chính là điều bắt phục tôi nhất, tôi phải thường xuyên suy ngẫm về nó. Đây chính là điều đủ thuyết phục chứng minh cho tôi về Bản Tính Thần Thánh của Jesus Christ."
Vậy là cuối đời, vị hoàng đế này đã giác ngộ được chân lý vô cùng quan trọng này.
Như chúng ta thấy ngày nay, các đế chế lập bằng vũ lực, bằng sức người đều đã bị phá hủy với thời gian, nhưng vương quốc của Đức Chúa Trời thì từ đó đến nay càng ngày càng mở rộng. Quân đội của Chúa Jê-sus đang diễu hành với khúc ca khải hoàn, chinh phục lòng người khắp nơi trên trái đất, không bằng vũ lực, mà bằng tình yêu thương và chân lý của Đức Chúa Trời.
Ai đó đã nhận xét:
Người ta thì đổ máu của những người khác để làm cuộc cách mạng xã hội cho mình, còn Chúa Jê-sus Christ đổ máu chính mình để làm cuộc cách mạng trong lòng con người.
Người ta đổ máu những người khác vì muốn mình được lên thiên đàng. Còn Chúa Jê-sus đổ máu chính mình để những người khác được lên thiên đàng.
Bạn có thấy không? Hãy cảm nhận sự khác biệt!
Chúa đổ máu mình để hóa giải cái ác và sự hung dữ trong tâm con người, biến đổi con người bằng tình yêu thương của Ngài.
Khi con người bị ai đó làm đổ máu, máu đó kêu gọi báo thù. Kêu gào đòi hỏi sự phán xét. Thậm chí dù có là người hiền lành tin kính như A-bên đi chăng nữa, khi bị Ca-in anh mình giết đi, máu của ông đổ ra trên đất đã kêu gào lên với Đức Chúa Trời.
Ðức Giê-hô-va hỏi Ca-in rằng: A-bên, em ngươi, ở đâu? Thưa rằng: Tôi không biết; tôi là người giữ em tôi sao? Ðức Giê-hô-va hỏi: Ngươi đã làm điều chi vậy? Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến ta. (Sáng thế ký 3:9-10)
Và cứ thế máu đòi phải được đền máu. Hận thù sinh ra hận thù. Tội ác đẻ ra tội ác. Nét đặc trưng của lịch sử nhân loại. Cái vòng luẩn quẩn này cần phải chấm dứt ở đâu?
Nó sẽ chấm dứt nếu mọi tội đó, cả tội của tôi và của bạn, sẽ được đổ hết lên đầu một người, để người đó phải chịu hình phạt thay cho tất cả chúng ta. Người đó phải đổ máu, chịu chết vì tất cả chúng ta. Người đó chính là Chúa Jê-sus Christ, Con Trời, mà hoàng đế Napoleon đã nhận thức chắc chắn rằng vẫn đang sống, vì Ngài đã sống lại sau khi hy sinh chịu thập hình, "dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời" (Hê-bơ-rơ 9:12).
Khi đó, tôi không phải cầu Trời báo thù vì tội của bạn nữa, và cũng không còn phải kinh hãi lo sợ sự báo thù từ Trời vì tội của tôi nữa.
Vì máu Người đó – Chúa Jê-sus – dù đã đổ ra vì tội của tôi và bạn, nhưng lại không kêu gọi Trời báo thù chúng ta.
Ấy là nguyên nhân vì sao Lời Kinh thánh kêu gọi chúng ta - có thể mạnh dạn đến gần với Đức Chúa Trời...
"...gần Ðức Chúa Jêsus, là Ðấng trung bảo của giao ước mới, và gần huyết rưới ra, huyết đó nói tốt hơn huyết của A-bên vậy". (Hê-bơ-rơ 12:24)
Huyết đó đang nói những điều gì, mà được đánh giá là tốt hơn nhiều so với những lời kêu la đau đớn đòi báo thù của huyết A-bên?
Chính là những lời như Chúa Jê-sus đã cầu khi bị treo trên thập tự giá, chính lúc Ngài đang đổ máu:
"Khi đến một chỗ gọi là chỗ Sọ, họ đóng đinh Ngài trên cây thập tự tại đó, cùng hai tên trộm cướp, một tên bên hữu Ngài, một tên bên tả. Song Ðức Chúa Jêsus cầu rằng: Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì." (Lu-ca 23:33-34)
Máu Con Trời vì tội chúng ta phải đổ ra, nhưng lại đang cầu xin Cha tha thứ cho chúng ta.
Máu đó đổ ra kêu gọi chúng ta trước tiên hãy đến làm hòa lại với Đức Chúa Trời. Và sau đó mới có thể tha thứ và làm hòa với người khác, để chấm dứt cái vòng luẩn quẩn hận thù và tội ác. Đây là cuộc cách mạng trong lòng người, được cảm hóa bởi tình yêu thương của Đức Chúa Trời và sau đó càng được thấm nhuần chính tình yêu thương đó.
Nếu Đức Chúa Trời tha thứ cho chúng ta, thì chúng ta có thể tha thứ cho người khác được không?
Chúng ta có thể tha thứ, nếu chúng ta thấy chính mình đã được Chúa tha những tội ghê gớm như thế nào.
Chúng ta có thể tha thứ cho ai đã phạm lỗi với mình, nếu chúng ta thấy được rằng ngay cả tội người đó cũng đã được Chúa Jê-sus gánh lấy.
Lời kêu gọi làm hòa với Đức Chúa Trời, cũng là lời kêu gọi làm hòa con người lại với nhau, khi chúng ta quay trở về hiệp nhất trong tình yêu thương của Ngài.
Đó là cuộc cách mạng, là sự thay đổi lớn lao mà Chúa Jê-sus muốn lấy máu Ngài làm ra trong tâm mỗi con người chúng ta.
Bắt đầu từ sự tha thứ. Đức Chúa Trời Cha tha thứ cho những đứa con hoang đàng biết quay trở về.
Và sau đó là sự tiếp nhận. Chúng ta thật sự được Cha tiếp nhận lại làm con, người thế nào thì được tiếp nhận thể ấy.
Cũng vậy, chúng ta tha thứ cho nhau, chúng ta tiếp nhận nhau, người ta thế nào thì chúng ta tiếp nhận họ thể ấy.
"Vậy thì, anh em hãy tiếp lấy nhau, cũng như Ðấng Christ đã tiếp anh em, để Ðức Chúa Trời được vinh hiển". (Rô-ma 15:7)
Tiếp theo đó là sự thanh tẩy. Chúa Trời rửa sạch tâm linh ta để trở nên trắng trong.
Không phải theo cách con người thường tô vẽ cho mình sạch đẹp bề ngoài, làm ra vẻ đạo đức, mượn các việc công đức mình để che đậy và xí xóa cho những việc làm xấu xa khác của mình. Mà là ăn năn thống hối để nhờ huyết Chúa gột sạch tội lỗi và mọi gốc rễ của điều ác tận sâu kín trong lòng. Đổi mới cái tâm của mình (trái tim mình). Để KHÔNG MUỐN làm điều tội lỗi nữa.
Napoleon đã hiểu điều này, với tư cách một người đã từng lãnh đạo đế chế. Chúa Jê-sus đã đòi hỏi chúng ta phải dâng trái tim mình cho Ngài, vì đấy là luật pháp của vương quốc Chúa. Điều kiện để Ngài lãnh đạo chúng ta.
Trái tim độc ác, hung dữ, ô uế phải được tẩy sạch, để sau đó mới đựng được tình yêu thương. Mới đựng được Thánh Linh, quyền phép tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Và sau đó trái tim đó sẽ mềm mại trở lại, thuận để bàn tay Ngài sửa nắn, biến đổi tiếp tục.
Chúng ta đến với Chúa Jê-sus hôm nay không chỉ nhận sự tha thứ, mà còn sẵn lòng lấy đức tin trông đợi Ngài giúp mình biến đổi. Biến đổi con người mình để biến đổi cuộc sống. Đó là lời cầu nguyện ưu tiên của chúng ta trong năm mới này. Có sự biến đổi bản thân mình trước đã, thì sau đó nhiều ước nguyện lâu nay sẽ thành được.
Chúng ta đã thấy: Vũ lực con người đã thua sức mạnh của tình yêu thương của Đức Chúa Trời.
Chúng ta đã thấy: Sự tha thứ đã thắng hơn mọi hận thù.
Bạn thân mến! Bạn không cần phải đợi đến lúc cuối đời thất thế như Napoleon, để hiểu ra rằng đường lối của Đức Chúa Trời đã thắng.
Ngày hôm nay, bạn HÃY TIN NHẬN Chúa Jê-sus! Tin và nhận điều mà Máu Ngài đã đổ ra để chuộc tội cho ta. Cùng với đó, nhận vào trái tim mình Tình yêu thương của Đức Chúa Trời.
Và tiếp tục giữ lòng cởi mở, sẵn sàng để sửa đổi nếp nghĩ bản thân, thuận theo đường lối của Trời.
Xin có đôi lời dành cho những người con cái Chúa, trong năm mới này, bạn hãy cởi mở với Chúa, nhờ Ngài lấy Lời Kinh thánh và Thánh linh soi sáng cho thấy còn những điều nào nữa ta cần được biến đổi.
Vì huyết Chúa Jê-sus đang kêu gọi chúng ta đến gần hơn nữa với Đức Chúa Trời (xem Hê-bơ-rơ 12:22-29). Để được biến đổi bởi sự sáng Ngài, đến mức mỗi chúng ta sẽ phản chiếu vinh hiển Chúa.
Vì chúng ta cũng đã thấy những con người cô đơn, yếu hèn khi đến với Đức Chúa Trời đã được tiếp nhận, được phát triển ơn của mình, họ trở nên như hòn ngọc trai được mài giũa càng ngày càng giá trị hơn. Hãy đổi sự tự ti, cay đắng, nhỏ nhoi tầm thường của mình lấy tư tưởng tự tin và cao đẹp của một người con thật của Đức Chúa Trời.
Chúng ta cũng thấy lối sống tham lam lao lực vì công việc và tiền bạc lại chẳng thể giúp chúng ta gìn giữ sức khỏe, hòa thuận và hạnh phúc được bằng lối sống cân bằng theo nguyên tắc "trước hết hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa" (Ma-thi-ơ 6:33). Hãy biến đổi ý nghĩ thờ tiền thành thờ Chúa.
Còn nhiều điều tương tự như vậy nữa cần đặt thành mục tiêu để được Chúa giúp cho mình thay đổi. Nếp nghĩ buông thả của dục vọng xác thịt cần phải đổi thành nếp sống tin kính, nhớ lời Chúa nói với người đàn bà tà dâm bị bắt quả tang rằng: "Ta cũng không định tội ngươi. Hãy đi, đừng phạm tội nữa." (Giăng 8:11)
Thói quen tự cao, khinh thường người khác, cần đổi thành thói quen coi người khác tôn trọng hơn mình (Phi-líp 2:3).
Thói quen xét đoán, suy bụng ta ra bụng người, dùng lưỡi mình mà đưa chuyện, trước mặt thì dua nịnh, sau lưng thì nói xấu người khác, là những lời mang lửa địa ngục cần từ bỏ (Gia-cơ 3:6), và phải đổi thành thói quen nói lời ân hậu (Cô-lô-se 4:6), lời chúc phước (1 Phi-e-rơ 3:9), chân thật trước sau như một (Ê-phê-sô 4:25).
Thói quen sống vô nguyên tắc, bất chấp những kỷ luật của Lời Chúa, cần đổi thành sự kính sợ Đức Chúa Trời và tuân thủ nghiêm túc luật pháp của Ngài. Mỗi con cái Chúa cần nhận thức rằng nguyên nhân chính gây ra nhiều nan đề, khó khăn, thiếu thốn trong đời sống mình chính là vì mình thiếu đức tin, mà đức tin chưa có vì chưa có lòng tôn trọng Lời Chúa và học hỏi để tìm kiếm và làm theo ý Chúa chỉ dạy mình. Đấy chính là điểm khởi đầu để thay đổi: "Ðừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm trí mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Ðức Chúa Trời là thể nào" (Rô-ma 12:2).
Thói quen ích kỷ, sống chỉ cho riêng mình, chỉ muốn đòi hỏi Chúa và người khác phục vụ cho mình, hãy đổi thành thói quen sống như Chúa Jê-sus, thể hiện yêu thương thật sự bằng tinh thần phục vụ, quên mình hầu việc Chúa, để tất cả đều được lợi ích chung.
"Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, nếu hột giống lúa mì kia, chẳng chết sau khi gieo xuống đất, thì cứ ở một mình; nhưng nếu chết đi, thì kết quả được nhiều. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất đi, ai ghét sự sống mình trong đời nầy thì sẽ giữ lại đến sự sống đời đời. Nếu ai hầu việc ta, thì phải theo ta, và ta ở đâu, thì kẻ hầu việc ta cũng sẽ ở đó; nếu ai hầu việc ta, thì Cha ta ắt tôn quí người". (Giăng 12:24-26)
Tôi muốn dành lời kết để nhắc lại với chúng ta lời kêu gọi, là tiếng kêu từ đất, tiếng của huyết Chúa Jê-sus đã đổ ra hai ngàn năm trước, vẫn không ngừng cầu nguyện với Đức Chúa Trời xin thương xót chúng ta, và vẫn đang kêu gọi chúng ta dạn dĩ đến với Đức Chúa Trời.
Bạn hãy đến tiếp nhận huyết Con Trời, để được tẩy sạch tâm linh mình khỏi mọi điều gian ác. Để làm hòa lại với Đức Chúa Trời, bỏ những lỗi lầm cũ đi, chôn vùi quá khứ, bắt đầu một cuộc sống mới có Đức Chúa Trời ở trong trái tim mình.
Xin Chúa hãy thương xót, tiếp nhận, và giúp chúng con tiếp tục thay đổi. Trước tiên, hãy đổ đầy tình yêu thương Ngài, để chúng con yêu Ngài hơn trong năm mới này. Để chúng con gieo sự vâng lời, gieo sự phục vụ, gieo sự sống mình, và sẽ gặt lại được những thành quả tốt lành mang dấu ấn của cõi đời đời ngay từ bây giờ, trong cuộc sống chúng con đang ngày càng làm sáng danh Đức Chúa Trời trên đất.
A-men!
MS Quoc Hung Tran. 01-2014
Hội thánh Tin lành Mát-xcơ-va.
Tinlanh.Ru

0 nhận xét:

Post a Comment

qc